“Ngành sợi Việt Nam phát triển mạnh với 2/3 sản lượng xuất khẩu đi nước ngoài, tuy nhiên đến giai đoạn nhuộm hoàn tất và vải là khâu mang lại giá trị gia tăng cao thì “tóp” lại, đến cắt may thì lại phình to phát triển” – ông Nguyễn Sơn – Phó Chủ tịch Hiệp hội bông, sợi đã cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp.


Theo ông Nguyễn Sơn, nhuộm hoàn tất là khâu khó nhất. Bởi, doanh nghiệp muốn đầu tư vào lĩnh vực này phải có trình độ kĩ thuật cao của cả kĩ sư, may móc. Như vậy, nguồn vốn đầu tư cũng phải cao, tuy nhiên đây cũng là khâu mang lại giá trị gia tăng cao.

       Ảnh :  Công Nhân làm việc tại nhà máy sợi Đức Quân - Thái Bình

– Điều gì đã tạo ra “nút thắt cổ chai” trong mắt xích nhuộm hoàn thiện, thưa ông?

Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy qua các con số của ngành sợi. Trong 9 tháng đầu năm 2017, ngành sợi đã xuất khẩu 990 ngàn tấn với tổng giá trị 2,62 tỷ USD tăng 23,7% về giá trị so với năm 2016. Tính riêng trong tháng 9, xuất khẩu xơ, sợi Việt Nam ước đạt 122 ngàn tấn trị giá 320 triệu USD, tuy giảm 1,1% về sản lượng nhưng lại tăng 3,5% giá trị so với cùng kỳ tháng trước.

Năng lực kéo sợi của Việt Nam năm 2017 dự kiến đạt mức khoảng 1,4 triệu tấn. Do có sự mở rộng đầu tư của một số doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài.

Bên cạnh ngành sợi thì ngành may mặc cũng rất phát triển. Hiện nay ngành may mặc Việt Nam có khoảng 5 nghìn doanh nghiệp, sẽ tạo ra khoảng 5 tỷ sản phẩm tương đương sẽ sử dụng 9 – 10 tỷ mét vải. Tuy nhiên Việt Nam mới sản xuất và dệt được khoảng 2 tỷ mét, tương đương với khoảng 20%. Trong đó bao gồm cả nguyên liệu phục vụ nhu cầu trong nước và cả xuất khẩu. Như vậy, Việt Nam phải nhập khẩu 6 – 7 tỷ mét vải/năm.

Nhìn tổng thể chuỗi cung ứng ngành dệt may có thể thấy, ngành dệt may Việt Nam phát triển, tuy nhiên phải nhập khẩu quá nhiều nguyên liệu điều này sẽ khiến ngành dệt may bị phụ thuộc vào thị trường nguyên liệu giá cả bấp bênh vì thay đổi từng ngày theo giá thế giới. Đó là chưa kể, chi phí lao động tăng cao, chi phí giao nhận, logistics cao, giấy phép con cũng còn nhiều dẫn đến tình trạng cạnh tranh ngành may mặc suy giảm.

Điều này đã lý giải vì sao kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may năm 2016 đạt giá trị lớn thứ 2 chỉ sau ngành điện thoại và linh phụ kiện nhưng giá trị gia tăng không cao và vì một nửa số đó chúng ta đã phải chi cho nhập khẩu nguyên liệu vải. Năm 2017, dự kiến giá trị xuất khẩu ngành dệt may sẽ đạt từ 30 – 35 tỷ USD tuy nhiên giá trị nhập khẩu vài dự kiến cũng sẽ đạt 11 tỷ USD.

– Được biết, doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia được vào chuỗi cung ứng ngành dệt may với doanh nghiệp nước ngoài như việc mở thư đảm bảo tín dụng (LC) ?

Ở châu Âu hay một số nước phát triển, một tập đoàn bán lẻ sản phẩm dệt may sẽ là đơn vị sắp xếp và lựa chọn toàn bộ doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của mình từ khâu nguyên liệu bông, dệt sợi, nhuộm thành phẩm, vải và cắt may đều ở trong nước. Tuy nhiên điều này lại hoàn toàn khác khi thực hiện ở Việt Nam.

Ví dụ, khi một doanh nghiệp Việt Nam được đặt một đơn hàng, doanh nghiệp này đã ngầm chọn một doanh nghiệp nào đó từ Trung Quốc hoặc Hàn Quốc để cung cấp vải. Hoặc doanh nghiệp này sẽ chọn doanh nghiệp cung cấp vải của Trung Quốc và báo doanh nghiệp Việt Nam mở LC để mua vải của doanh nghiệp bên kia về để cắt may. Nhìn chung, việc mở LC thì cũng vẫn là một hình thức gia công. Ngoài ra, khi doanh nghiệp Việt Nam được giao mở LC có thể được nhận thêm một số giá trị lợi nhuận song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thêm nữa, trong việc mở LC này doanh nghiệp Việt Nam thường thiếu vốn. Điều này là không thể tránh khỏi khi đa số doanh nghiệp trong Hiệp hội bông sợi Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

– Hiện nay, có rất nhiều ngân hàng cung cấp các gói tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và trong Quyết định số 55/2001/QĐ – TTg của Chính phủ có quy định về hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp dệt may nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành dệt may. Ông đánh giá như thế nào về chính sách hỗ trợ này?

Chính sách hỗ trợ ngành dệt may trong đó có bông sợi từ Nhà nước và cơ quan quản lý là có. Tuy nhiên, còn rất chung chung và chưa sát sườn hay nói cách khác là khi tác dụng chính sách về đến doanh nghiệp thì rất yếu.

Trong QĐ số 55/2001/QĐ – TTg của Chính phủ liên quan đến hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp thì vốn của Nhà nước không có mấy, chủ yếu là vốn vay nước ngoài, vốn ngân hàng và vốn huy động của doanh nghiệp.

Về vốn ngân hàng, với mức lãi suất hiện giờ trung bình khoảng 6%, nếu doanh nghiệp vay lâu dài có thể lên đến 8% thậm chí 10%. Với một khoản vay thế chấp lớn để đầu tư máy móc thì riêng việc lo để trả lãi ngân hàng thôi cũng đủ làm doanh nghiệp “hao mòn”.

Vốn Nhà nước ít cũng là điều dễ hiểu vì ngân sách còn eo hẹp mà ngành gì cũng trông chờ vào ngân sách thì điều này là hoàn toàn không thể.  Tuy nhiên Nhà nước có thể cho doanh nghiệp ngành sợi bông vay theo hình thức vốn ODA, thời gian vay dài và lãi suất thấp để doanh nghiệp giải quyết “nút cổ chai” cỏ mình.

– Ông có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?

Trước đây, Nhà nước có đầu tư một số nhà máy dệt liên hợp như May 10, Thành Công, Thắng Lợi, trong đó các quy trình của chuỗi ngành dệt may được khép kín. Tuy nhiên đến nay các doanh nghiệp này gần như đã “héo mòn”. Vì vậy, để gỡ được nút cổ chai trong khâu nhuộm hoàn tất thì chỉ có thể trông chờ vào khu vực tư nhân. Theo tôi, động lực để doanh nghiệp đầu tư mạnh vào khâu nhuộm thì trước tiên cần những chính sách ưu đãi đúng mức dành cho lĩnh vực này.

Hiện nay, doanh nghiệp bông sợi đang loay hoay tìm nguồn vốn hỗ trợ đầu tư xử lý nước thải. Bởi các tỉnh như Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Bắc Ninh, Thái Bình đều nói không với kế hoạch đầu tư nhà máy nhuộm, chỉ còn Bắc Giang, Nam Định. Tiêu chuẩn xủ lý nước thải trước khi xả ra môi trường đã lên tiêu chuẩn 175 cột A. Muốn đạt được điều này, các doanh nghiệp phải đầu tư hệ thống nhà máy xử lý nước thải đủ hiện đại để áp ứng tiêu chuẩn xả thải trước khi ra môi trường và có công suất đủ lớn. Muốn vậy, doanh nghiệp phải đầu tư vốn.

Như một số địa phương hiện nay đang xây nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt, do ngân sách công đầu tư, tuy nhiên lại không thu lại được gì. Chi bằng đầu tư cho doanh nghiệp sợi theo dạng ODA, với thời gian dài và lãi suất thấp, doanh nghiệp có thể hoàn thiện chuỗi cung ứng mà Nhà nước cũng vẫn thu được lại được tiền mà không bị mất đi.

Bên cạnh đó nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành nhuộm cũng đang thiếu. Hàng năm khoa kĩ sư nhuộm của Đại học Bách Khoa đào tạo được khoảng 50 kĩ sư. Nguồn nhân lực này quá thiếu so với yêu cầu của ngành. Bởi đặc thù của ngành nhuộm là vất vả, tiếp xúc với hoá chất, nước nhuộm nóng, sinh viên ít lựa chọn nếu không phải đam mê. Vì vậy Nhà nước cần có quy hoạch nguồn nhân lực cho ngành ví dụ như giảm học phí hay hỗ trợ việc làm.

Có như vậy, dù ngành nhuộm hoàn tất có khó như nào thì các doanh nghiệp Hiệp hội bông sợi vẫn quyết tâm làm với mục tiêu làm chủ nguồn nguyên liệu trong thời gian tới.

Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp