Tin tức

Hàng dệt may và giày dép Việt Nam có cơ hội tăng xuất khẩu sang Mexico

18-03-2019

Mexico hiện là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ, đóng vai trò quan trọng là cửa ngõ hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường nội địa các nước khu vực này

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mexico trong những năm qua liên tục được cải thiện và đạt trên 3,4 tỷ USD trong năm 2018. Trong đó, xuất khẩu hàng dệt may và giày dép chiếm 12% tổng trị giá xuất khẩu. Hiện xuất khẩu hàng hóa nói chung và hàng may mặc nói riêng của Việt Nam sang Mexico vẫn còn thấp và chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Do đó, thương mại hai chiều đặc biệt là thương mại dệt may và giày dép được kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng đột phá trong thời gian tới, nhờ Hiệp định CPTPP.

Đặc biệt, trong những tháng tới, hàng dệt may và giày dép của Việt Nam có cơ hội tăng xuất khẩu mạnh sang Mexico, khi nước này mới đây đã thông báo sẽ áp thuế nhập khẩu từ 25%-30% đối với các sản phẩm dệt may và da giày từ các nước chưa có Thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với quốc gia này. Được biết, động thái tăng thuế này được áp dụng trong 6 tháng nhằm chống lại các hành vi thương mại bất bình đẳng và trợ giá. Ngoài ra, nhiều khả năng chế độ hạn ngạch cũng sẽ được áp dụng… nhằm hạn chế hàng dệt may nhập khẩu giá rẻ vào thị trường này.

Hiện Việt Nam là nhà cung cấp hàng may mặc (HS61&62) lớn thứ 4 vào thị trường Mexico, với thị phần chiếm 6,92%. Với việc được hưởng ưu đãi về thuế từ CPTPP và nếu Mexico chính thức áp thuế từ 25 – 30% đối với hàng may mặc nhập khẩu từ các nước chưa có FTA với nước này, chắc chắn xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sẽ bứt phá mạnh tại Mexico trong năm 2019.

Tuy nhiên, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang Mexico sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Đó là gặp nhiều khó khăn trong công tác vận chuyển. Mặc dù vậy, Mexico vẫn được đánh giá là thị trường tiềm năng, nếu doanh nghiệp chủ động, linh hoạt, quan tâm tới đến những điều kiện địa lý ảnh hưởng tới thời gian giao hàng; và chọn dòng sản phẩm thế mạnh để có thể cạnh tranh với các nước cũng xuất khẩu vào Mexico.

Nguồn: Bộ Công Thương

Các tin khác