Tin tức

THÊM CƠ HỘI MỚI CHO XUẤT KHẨU DỆT MAY

01-06-2017

Việc Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được nhận định sẽ mở ra một thị trường mang tính chiến lược trong khu vực châu Á. Đồng thời tạo thêm niềm tin cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh nỗi lo xuất khẩu (XK) dệt may sẽ gặp khó do TPP có thể thiếu vắng Mỹ.    

Đơn hàng khả quan

Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas): Hiện nhiều DN đã có đơn hàng đến hết tháng 8 và chuyện đơn hàng đến thời điểm này là không đáng ngại.

Công ty CP Thúy Đạt hiện cũng đủ đơn hàng cho sản xuất đến hết quý II/2017, trong đó chủ yếu là đơn hàng XK sang thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Ông Nguyễn Văn Châu - Giám đốc Công ty CP Thúy Đạt cho biết: Hợp đồng đã ký đến giữa năm nên hoạt động sản xuất, XK của DN có chiều hướng suôn sẻ. Hợp đồng đã ký của Thúy Đạt chủ yếu đến từ những bạn hàng đã làm ăn lâu năm, có sự tin tưởng vào uy tín của DN. “Doanh số từ lượng đơn hàng đã ký dự kiến tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn mục tiêu tăng trưởng 20-22% trong năm 2017 là trong tầm tay”, ông Châu tự tin chia sẻ.

Hơn nữa, trong 3 năm gần đây (2013-2016), nhiều DN dệt may XK đã xây dựng được chiến lược phát triển thương hiệu. Tiêu biểu như: May 10, Việt Tiến, Phong Phú, Đức Giang…đã và đang xây dựng các chiến lược thâm nhập thị trường thế giới và đã XK được một số thương hiệu mặt hàng. Điều đó chứng tỏ vấn đề xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu đã được DN chú trọng, gắn với thực tiễn, sát với thương hiệu và nhãn hiệu hàng hóa của Việt Nam hơn.

Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, quý I/2017, ngành dệt may Việt Nam đã đạt 5,6223 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất với trên 2,721 tỷ USD, Nhật Bản 715 triệu USD, Hàn Quốc trên 617 triệu USD…. Tự tin với những tín hiệu sáng, ông Vũ Đức Giang cho rằng: Trong năm 2016, xuất khẩu dệt may chỉ đạt mức tăng trưởng 9,2%, nhưng xuất khẩu năm 2017 sẽ khả quan hơn, với mức tăng trưởng từ 13-14%.

 

Thêm cơ hội mới

Sự vững vàng của nhiều DN dệt may trước sóng gió chứng tỏ năng lực nội sinh của ngành đã được cải thiện rõ rệt. Ngay cả khả năng Mỹ không tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ không ảnh hưởng tiêu cực tới XK hàng dệt may của Việt Nam sang Mỹ.

Ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch Vitas cũng cho rằng: Ngoài TPP, Việt Nam còn có trên 10 hiệp định thương mại tự do đã, đang và sẽ ký, do đó chỉ cần chuẩn bị kỹ lưỡng thì sẽ khai thác được nhiều thị trường khác.

Đặc biệt, việc Việt Nam đang tham gia đàm phán RCEP được nhận định sẽ mở ra một thị trường mang tính chiến lược trong khu vực châu Á. Hiệp định này được thực thi sẽ tạo động lực lớn cho ngành dệt may nhờ một thị trường XK lớn, DN cũng sẽ không bị nhiều rào cản thương mại ràng buộc.

Tuy nhiên, việc một số cường quốc sản xuất và XK hàng dệt may như Trung Quốc, Ấn Độ cũng tham gia đàm phán RCEP đã làm dấy lên nỗi lo về sức cạnh tranh của dệt may Việt Nam. Đại diện Vitas cho rằng: Việt Nam không ngại cạnh tranh bởi có nhiều yếu tố thuận lợi. Đầu tiên, chi phí vận chuyển trong khối RCEP sẽ giảm hơn nhiều so với việc XK sang Mỹ hay sang các nước EU, theo đó giá thành sẽ cạnh tranh hơn. Một số thành viên trong khối, tiêu biểu là Trung Quốc có ngành sản xuất nguyên phụ liệu rất phát triển, điều này sẽ giúp DN Việt Nam tận dụng được nguồn cung nguyên liệu cũng như đáp ứng được quy tắc xuất xứ vốn đang làm khó DN trong nước. Đặc biệt, RCEP tạo ra một thị trường cực kỳ rộng lớn với khoảng 3,4 tỷ dân cùng nền văn hóa tương đồng sẽ giúp việc đàm phán và ký kết nhanh hơn, cũng như tạo động lực thu hút đầu tư giữa các nước trong khối.

Trung Quốc được nhận định là đối thủ cạnh tranh lớn của dệt may Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay, bình quân mỗi năm Việt Nam xuất khẩu từ 1,8-2 tỷ USD hàng dệt may sang quốc gia này. Chi phí đầu vào đắt đỏ cũng khiến một số DN Trung Quốc đặt hàng của Việt Nam để tiêu thụ tại một số tỉnh miền Tây Trung Quốc. Như vậy, rõ ràng dệt may Việt Nam vẫn đang có ưu thế.

Việc Ấn Độ tham gia RCEP cũng là một lợi thế. Việt Nam hiện chưa có hiệp định thương mại với quốc gia này, khi tham gia RCEP, những ưu đãi về thuế quan sẽ giúp hàng dệt may Việt Nam vào thị trường này dễ dàng hơn.

Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do là xu hướng tất yếu trong bối cảnh nền kinh tế thế giới hội nhập ngày một sâu rộng. Điều này đem lại cơ hội XK, chuyển giao công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không chỉ riêng cho ngành dệt may mà còn là thuận lợi chung cho tất cả các ngành hàng. Tuy nhiên, vấn đề DN quan tâm là phòng vệ và rào cản thương mại. Đây được cho là “vũ khí” đặc biệt hữu hiệu nhằm bảo hộ sản xuất trong nước của các quốc gia, cũng là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động XK của DN.

Để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho DN trong nước, ông Vũ Đức Giang đề xuất: Bộ Công Thương cần sớm nghiên cứu các giải pháp hoặc rào cản về kỹ thuật nhằm phòng vệ một cách chính đáng với các sản phẩm của nước ngoài đang có dấu hiệu bán phá giá trên thị trường Việt Nam. Việc làm này là hợp pháp, phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Với ngành dệt may, khi gặp phải các rào cản kỹ thuật, ngành cũng cần nhanh chóng tìm giải pháp chuyển đổi sang các thị trường có điều kiện tốt hơn. “Việc phòng vệ là giải pháp của cơ quan nhà nước, còn với các DN phải chuyển dịch cơ cấu ngay lập tức để không bị phụ thuộc vào một thị trường”, ông Giang nhấn mạnh.

Nguồn: Hiệp hội bông sợi Việt Nam


Các tin khác